thâm hụt thương mại tốt hay xấu

Hãy nhớ rằng, thâm hụt thương mại không đáng sợ, thứ đáng sợ đối với một nền kinh tế là khi người dân không dám chi tiêu. Năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Đức lên đến 67.8 tỷ USD, nhưng việc ai bán hàng cho ai nhiều hơn không phản ánh được điều gì, bởi người Đức vốn chi tiêu ít hơn nhiều so với người Mỹ, đó là nguyên nhân chính khiến cho cán cân thương mại giữa hai quốc gia bị lệch, còn Mỹ thì vẫn là nền kinh tế số một thế giới.

Thâm hụt thương mại là gì?

Thâm hụt thương mại xảy ra khi kim ngạch nhập khẩu của một quốc gia cao hơn kim ngạch xuất khẩu.

Nhiều người vẫn thường xem thâm hụt thương mại như một điều gì đó cực kì tồi tệ cho nền kinh tế. Thậm chí, họ cho rằng thâm hụt nhiều sẽ làm giảm tăng trưởng GDP, từ đó dẫn đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, vì GDP được tính trên công thức: GDP = C + I + G + (X – M).

Dùng GDP để minh chứng tác hại của thâm hụt thương mại là không có cơ sở. Tại sao bạn lại phải quan tâm đến GDP? GDP chỉ là một thống kê ảo được chính phủ bịa ra, và “sự thịnh vượng của một quốc gia hoàn toàn không thể suy ra từ tổng thu nhập của quốc gia đó” (Simon Kuznets). GDP chưa bao giờ phản ánh tình trạng thực sự của một nền kinh tế, cũng không thể cho ta thấy những vấn đề tồn tại của nền kinh tế. Thế nên, sẽ thật lố bịch khi nói GDP giảm sẽ làm tăng thất nghiệp. Vậy điều gì mới là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thất nghiệp? Đó là người tiêu dùng giảm chi tiêu, là thiên tai, là các rào cản kinh tế,… mới là những vấn đề thực tế chứ không phải là một thống kê ảo.

Câu chuyện thâm hụt thương mại thậm chí được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập nhiều lần trong chiến dịch tranh cử, và còn… đề xuất các biện pháp bảo hộ mậu dịch (protectionism). Dẫu biết rằng kinh tế và chính trị không thể tách rời nhau, đôi khi vì lợi ích chính trị mà lãnh đạo các quốc gia chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế. Nhưng để một quốc gia thịnh vượng, cân bằng cán cân thương mại không phải là cách để giải quyết vấn đề.

Thâm hụt thương mại là tốt hay xấu?

Nên nhớ rằng năm 1990, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ lên đến 4% trong khi đang chịu thâm hụt thương mại lớn; ngược lại, trong giai đoạn khủng hoảng năm 2007 thì thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm. Một ví dụ khác, Nhật Bản là quốc gia có thặng dư thương mại, nhưng nền kinh tế nước này vẫn cứ ì ạch bao nhiêu năm nay.

Vì thế, để trả lời cho câu hỏi thâm hụt thương mại là tốt hay xấu, trước hết, ta phải làm rõ câu hỏi ở đây là “thâm hụt thương mại tốt hay xấu… cho ai?”. Bởi, các quốc gia không bán hàng cho nhau, mà người dân hai nước mới là người bán hàng cho nhau.

Giả sử một người Mỹ mua một món hàng từ Trung Quốc, nghĩa là người đó đang giao thương với một người hay một công ty Trung Quốc sản xuất hàng hóa đó; và cũng giống như các hình thức giao thương khác, hành động mua bán này hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện: người Mỹ mua hàng hóa đó vì họ tin rằng nó xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra, còn người Trung Quốc tin rằng số tiền mà họ nhận được từ việc bán sản phẩm đó là chấp nhận được.

Như vậy, ai thắng, ai thua? Không ai cả.

Bản chất của giao thương là dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi (win-win). Trong khi nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn, có thêm một chiếc áo Trung Quốc, thì nền kinh tế Trung Quốc có thêm vài đồng đôla. Thế nên, những tranh luận về mặt tốt, xấu của thâm hụt thương mại là hoàn toàn sai, sai về mặt ý nghĩa lẫn khái niệm.

Tranh luận về mặt tốt, xấu của thâm hụt thương mại là hoàn toàn sai, sai về mặt ý nghĩa lẫn khái niệm.
Tranh luận về mặt tốt, xấu của thâm hụt thương mại là hoàn toàn sai, sai về mặt ý nghĩa lẫn khái niệm.

Đầu tháng này tôi vừa lãnh lương, tôi bước vào một cửa hàng tiện lợi, mua một ít sữa, trái cây, đồ hộp và tổng hóa đơn của tôi hết 200 ngàn đồng. Vậy là tôi bị thâm hụt thương mại với ông chủ cửa hàng tiện lợi sao? Trời ơi, thật đáng sợ?! Ông ấy lấy đi 200 ngàn của tôi, còn tôi thì lấy sữa, trái cây, đồ hộp của ông ấy. Ai thắng, ai thua? Không ai cả.

Tôi bước vào một cửa hàng Thế Giới Di Động, sau bao nhiêu tháng dành dụm, tôi đã có thể mua một chiếc smartphone Samsung Galaxy đời mới. Nhưng chờ đã! Việt Nam đang chịu thâm hụt 31.9 tỷ USD với Hàn Quốc, tỷ lệ nhập siêu lên đến 68%; vậy là tôi đang tiếp tay làm trầm trọng thêm độ lệch của cán cân sao? Và điều này sẽ ảnh hưởng đến tôi như thế nào, tốt hay xấu? À, tôi nhận ra mình vừa có được một chiếc Samsung Galaxy đời mới, và nhờ vào sự giao thương này, tôi có cơ hội được sở hữu một chiếc smartphone khi sống trong một quốc gia mà ốc vít cũng không sản xuất được. Tự hỏi: tôi thắng, hay ông chủ Samsung người Hàn Quốc thắng? Không, cả hai cùng thắng.

Việc đi mua hàng như vậy khiến tôi ngày càng bị thâm hụt thương mại với mọi cá nhân/tổ chức mà tôi giao dịch, bởi tôi mua hàng của họ nhưng họ thì không mua gì từ tôi. Thực tế, tôi bị thâm hụt với mọi doanh nghiệp mà tôi mua hàng, từ ông chủ cửa hàng tiện lợi tới ông chủ Thế Giới Di Động và ông chủ của Samsung. Nhưng, cả tôi và bên bán hàng đều được lợi.

Doanh nghiệp duy nhất ngoại lệ bị thâm hụt thương mại với tôi đó chính là… công ty tôi đang làm. Ông chủ của tôi mỗi tháng phải trả tiền cho tôi để đổi lấy số lượng công việc mà tôi hoàn thành. Tôi được ông ấy trả lương, nhưng tôi thì không mua gì từ ông chủ của mình, vậy là cuối cùng tôi cũng đã có thặng dư thương mại với một bên, trong khi nãy giờ kể ra toàn bị thâm hụt. Cứ thế nền kinh tế tiếp tục vận hành trơn tru mà tôi là một phần trong đó.

Vậy thặng dư hay thâm hụt liệu có phải là vấn đề nghiêm trọng?

Cán cân thương mại của một nền kinh tế bị lệch không phải là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nó sẽ trở nên thực sự đáng lo ngại khi các nhà làm chính sách bắt đầu thực hiện các biện pháp bảo hộ hay phòng vệ thương mại.

Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc thâm hụt 31.9 tỷ USD nghiêng về phía Việt Nam; tuy nhiên, điều đó không có gì phải lo lắng, việc tiêu thụ nhiều hàng hóa đến từ xứ sở kim chi không phải là hành động gây hại, thậm chí người Việt càng được lợi vì có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm tốt hơn. Người Hàn Quốc mang hàng hóa đến bán cho người Việt, sau đó thu về lượng lớn tiền VNĐ thì họ sẽ làm gì? Họ không thể dùng số tiền VNĐ đó tại Hàn Quốc, nên họ sẽ đầu tư trở lại Việt Nam, từ đó tạo thêm việc làm cho người Việt; sau đó hai bên tiếp tục giao thương, và cứ thế cả hai nền kinh tế đều nhận được lợi ích từ nhau. Lật ngược vấn đề, nếu Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách phòng vệ thương mại với Hàn Quốc chỉ để cân bằng lại cán cân thương mại quốc gia thì sẽ ra sao? Lúc này, người Việt sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn hàng hóa chất lượng, thất nghiệp tăng, thậm chí việc bảo hộ còn có thể dẫn đến rạn nứt mối ban giao giữa quan hệ hai nước.

Một ví dụ khác, một công ty sản xuất ôtô của Mỹ chi 50,000 USD để mua linh kiện từ Mexico, công ty Mỹ sẽ nhận được những gì mình cần để sản xuất ra những chiếc xe hơi. Trong khi đó, công ty bên Mexico nhận được số đôla đó và sẽ dùng nó vào việc mua hàng hóa từ người Mỹ hay đầu tư vào nước Mỹ, tạo thêm việc làm cho người Mỹ.

Vì thế, để trả lời câu hỏi thâm hụt thương mại tốt hay xấu, ta phải hiểu thực chất câu hỏi là: tốt hay xấu cho ai? Vì khi giao thương thì người mua lẫn người bán luôn được lợi. Nhưng nếu chính phủ thực hiện chính sách bảo hộ, thì ai mới là kẻ được lợi? Không ai khác, đó là các tổ chức độc quyền, là tư bản thân hữu, trong khi người chịu thiệt luôn là người dân sống trong cơ chế đó.

Kết luận

Bản chất của giao thương là dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, thuận mua vừa bán, nên sẽ không thể có kẻ thắng người thua, mặc dù đôi khi có thể xảy ra những quyết định sai lầm trong mua bán, nhưng cơ chế thị trường sẽ sớm mang mọi thứ về trạng thái cân bằng vốn dĩ của nó. Cho nên, khi bạn nghe ai đó cố gắng thuyết giảng rằng thâm hụt thương mại là một điều đáng lo ngại, thì hãy bình tâm và suy nghĩ về việc bạn hàng ngày vẫn đang chịu thâm hụt với những người bán hàng cho bạn, xem họ nhận gì và bạn có được những gì. Nếu thâm hụt thương mại giữa các cá nhân không phải là vấn đề, thì thâm hụt thương mại trên bình diện quốc gia cũng sẽ như vậy.