Chuyện kể. Tại khu tự trị Dagestan (thuộc Nga) – nơi được xem là một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới do các xung đột chính trị – có một chàng Nga ngố sống gần biên giới, vì muốn giao du cùng những anh em thiện lành ở nước láng giềng Gruzia, nên đã một mình xây đoạn đường dài 55km bắc qua nhà “hàng xóm”. Nhiều người thắc mắc điều gì thôi thúc anh làm vậy. Trong một lần phỏng vấn với Đài châu Âu Tự do (RFE), anh thú nhận rằng bấy lâu nay người dân phía Bắc Dagestan có mối tương giao tốt với người dân Gruzia bên kia biên giới, mà giữa họ lại không có con đường nào để qua lại. Bên cạnh đó, người dân nơi đây đã quá chán nản khi phải chờ chính quyền xây dựng đường sá cho mình, nên anh quyết tâm tự mình xây luôn con đường đó. Tên anh là: Magomed Kebedov.
Chuyện kể. Tại khu làng Gehlour hẻo lánh ở miền Bắc Ấn Độ, có một quả núi cao hơn 100 mét chia cách ngôi làng với “thế giới còn lại”. Vì không có đường đi, dân làng thường phải đánh vòng hết vài giờ đồng hồ qua bên kia núi làm việc, giao thương, học hành. Ngọn núi cũng là nguyên nhân cản trở ngôi làng nghèo tiếp cận các nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày. Chính tại đây, một huyền thoại “đào núi lấp biển” ra đời. Hôm đó vợ của “thánh” ấy lâm bệnh nặng, vì không kịp đưa vợ đến bệnh viện bên kia núi cách 75km nên anh đành bất lực nhìn cô ấy qua đời. Đau đớn và cục súc tức giận thay, anh dùng búa đập luôn quả núi, à nhầm, anh đào đường tắt băng qua núi. Miệt mài suốt 22 năm, cuối cùng anh đào thành công một con đường dài 120 mét, rộng 10 mét để rút ngắn khoảng cách chỉ còn 5km. Từ đó người dân phong cho anh là “Baba” – nghĩa là người đàn ông đáng kính. Tên anh là: Dashrath Manjhi.
Lại một câu chuyện nữa, nhưng quy mô lớn hơn. Đó là một chiến dịch vô cùng thành công của thương hiệu Domino’s Pizza. Dân marketing nghe đến “Paving for Pizza” (phỏng dịch: Vá ổ gà – Giao pizza) chắc sẽ gào thét lên như fan K-pop gặp được thần tượng. Paving for Pizza lấy bối cảnh từ những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra với shipper trên đường giao bánh pizza, trong số đó có liên quan đến… những cái ổ gà. Theo thống kê của Domino’s, nước Mỹ có hơn 600,000 ổ gà và khoảng 40,000 con đường bị xuống cấp, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Với điều kiện đường sá như vậy, những chiếc pizza khó mà “toàn vẹn” khi đến tay khách hàng. Thực tế Domino’s đã nhiều lần nhận phàn nàn về tình trạng bánh bị xê dịch, hay thịt, nấm, phô mai trở thành một mớ hỗn độn khi giao đến nơi. Để giải quyết tình trạng trên, hãng pizza đứng đầu thế giới đã “thay mặt chính phủ” lấp lại ổ gà và sửa chữa những đoạn đường xuống cấp trên khắp 50 bang nước Mỹ, với một thông điệp đi vào lòng người “Không một ổ gà nào có thể làm hư chiếc bánh pizza ngon lành của bạn”.

Kể chuyện xong, đến lúc giải thích ai là người xây dựng đường sá.
Xưa nay, mỗi khi tôi và các anh em cánh hữu bàn về vấn đề tư nhân hóa các dịch vụ của chính phủ, câu hỏi ngu ngơ “Vậy ai sẽ xây dựng đường sá?” lại được thốt lên như thường lệ. Chúng tôi đành thở dài rồi bắt đầu một cám cảnh quen thuộc: Ngồi xuống đây, để ba kể con nghe về một huyền thoại. Thật ra, có tới ba huyền thoại trong những câu chuyện tôi vừa kể. Cả thảy đều là những ví dụ điển hình về tính hiệu quả của khu vực tư nhân so với chính phủ trước một vấn đề thực tiễn.
Trước khi đi sâu hơn, chúng ta cần làm rõ một điều đó là chính phủ KHÔNG CÓ TIỀN. Ngân sách của chính phủ có được nhờ vào việc THU THUẾ (hoặc in tiền bừa bãi như các xứ độc tài). Dù cho một tay “cấp tiến” thiên tả nhất cũng phải thừa nhận điều này. Nó là một FACT quan trọng, đủ làm lung lay mindset ăn cơm quốc gia của cơ số người. Chính phủ không nuôi cơm ta. Không có bữa trưa nào miễn phí cả. Chúng ta mới là những người đang nuôi bộ máy chính phủ.
FACT thứ hai, người xây đường sá KHÔNG PHẢI chính phủ. Mà thực chất, chính phủ DÙNG TIỀN THUẾ của dân để thuê các đơn vị tư nhân làm đường thay cho họ. Vấn đề này có lẽ nhiều người đã biết. Nó sinh ra ba câu hỏi quan trọng về tính minh bạch và hiệu quả của chính phủ:
Thứ nhất, các đơn vị tư nhân ký hợp đồng xây dựng đường sá với chính phủ là ai? Nếu không là những tay COCC đội lốt tư nhân (tư bản đỏ) thì cũng là bọn doanh nghiệp sân sau/lợi ích nhóm móc nối chia chác cùng nhau.
Thứ hai, giả sử đó là một chính phủ hoàn toàn minh bạch (thứ mơ tưởng viễn vông dù là chế độ nào trên thế giới) công khai tổ chức đấu thầu công trình và không có dấu hiệu “ăn dơ” trên đồng tiền thuế của dân, thì họ sẽ phân bổ nguồn lực như thế nào để đảm bảo tính công bằng triệt để? Tiền thuế được thu như nhau, không thể ngụy biện rằng người dân khu D phải chấp nhận đi trên những con đường xuống cấp, trong khi đường sá ở khu A, B, C được trải nhựa đẹp.
Thứ ba, có quá nhiều vấn đề xoay quanh chính phủ, sao chúng ta không tự mình xây dựng đường sá? Hãy dành vài giây suy ngẫm về mệnh đề này. Thành thật mà nói tôi cực kì thích câu hỏi số 3, và hơn hết tôi muốn xem nó như một câu hỏi tu từ thay vì là một câu nghi vấn đơn thuần. Bởi những gì tôi sắp trình bày sẽ nhằm làm sáng tỏ điều đó.
Đúng vậy. Tại sao chúng ta không tự xây dựng đường sá?
Khi được hỏi “Xây đường sá để làm gì?” – cá rằng nhiều người sẽ nói rằng đường sá là để phục vụ việc di chuyển, đi lại. Trả lời như vậy không sai, nhưng nó vô tình bác bỏ động lực để xây đường sá. Con heo, con bò, con gà, v.v. cũng cần đi lại, đúng vậy không? Nhưng chúng KHÔNG CẦN đường sá.
Con người là một chủng loài đặc biệt. Không giống như các loài động vật khác, chúng ta biết GIAO THƯƠNG. Hàng ngàn năm nay, con người liên tục lấp đường, xây cầu, khoét núi, đào hầm, v.v. cũng chỉ nhằm phục vụ mục đích trao đổi. Bạn chắc đã nghe qua con đường tơ lụa? Một con đường giao thương Đông – Tây với những viên gạch đầu tiên được xây nên từ bàn tay của các thương gia Trung Hoa, nối dài tuyến chuyển vận từ xứ Tàu đến các vùng xa xôi như Ba Tư và La Mã. Đó chính là điểm nhấn rõ nét nhất trong lịch sử thương mại thế giới, mặc dù sau đó công trình này nhuốm màu chính trị vì đánh động vào tham vọng quyền lực của các đế chế cầm quyền. Tuy nhiên, nó đã minh chứng một điều…
Ở đâu có giao thương, ở đó sẽ hình thành đường sá.
Để tồn tại trên thị trường, doanh nghiệp tư nhân buộc phải đáp ứng nhu cầu người dùng, hoặc không sẽ bị loại bỏ. Và nhu cầu đường sá luôn là vấn đề cấp thiết. Do đó giao thương chính là động lực cho tư nhân xây những con đường bắc thẳng đến các khu vực có nhu cầu về hàng hóa. Tương tự, để phục vụ nhu cầu trao đổi, mỗi cá nhân cũng sẽ tự mình xây đường sá mà không cần đến bàn tay chính phủ.
Dám chắc nhiều người nghĩ rằng 3 ví dụ đầu đề tôi nêu ra chỉ mang tính cục bộ, và hoài nghi khả năng ứng dụng của nó trên bình diện rộng. Nhân đây tôi cũng xin bắn thêm một FACT (phát) nữa: Giới tư nhân Hoa Kỳ chính là người đã kiến thiết nên hệ thống hạ tầng đường sá của cường quốc này trong những ngày đầu lập quốc (nguồn: Private Toll Roads in America – The First Time Around).

Mãi đến thế kỷ 19, dù cho tư tưởng tả khuynh ngày một phát triển, nước Mỹ vẫn có đến 2000 công ty tài trợ, xây dựng và vận hành hệ thống đường sá cho nó. Hiện tại, dù chính phủ Mỹ ngày càng bạo chi cho các tuyến highway Liên Bang (nhận diện qua biển báo màu) và Tiểu Bang (nhận diện qua biển báo trắng đen), nhưng các tuyến Local được vận hành bởi tư nhân vẫn đóng vai trò tối quan trọng trong việc kết nối các tế bào gia đình với xã hội.
Xa hơn chút, ta có Hongkong trong đợt thâm hụt ngân sách nghiêm trọng năm 2003 phải nhờ đến bàn tay tư nhân kiến thiết hệ thống đường sá để thoát khỏi khủng hoảng.
Đáng buồn thay, khi nhắc đến các dịch vụ công, hầu như chúng ta đều dành hết mọi sự tín nhiệm cho chính phủ. Sự lệ thuộc ngày một nhiều vào chính phủ khiến ta quên đi các nguyên tắc vận hành cốt lõi của thị trường, đến nỗi việc “ai xây dựng đường sá” cũng trở thành một câu hỏi đầy hóc búa. Tự hỏi nếu Adam Smith nhìn xuống hậu thế bây giờ, chắc ông cũng phải lắc đầu ngao ngán. Thế nên cánh hữu ngày nay – giới được gọi là Libertarian và Conservative – mang trong mình sứ mệnh quan trọng của thời đại, đó là bảo tồn (conserve) giá trị tự do nhằm làm rõ một sự thật: Big Gov sucks (tạm dịch: Chinh phu Lon an hai).
Ý tôi là Chính phủ Lớn ăn hại
Tại sao tư nhân xây đường sá hiệu quả hơn chính phủ? Bởi vì chính phủ cần một bộ máy hành chính khổng lồ để có thể quản lý từ trung ương đến địa phương, nó cũng không phải đối diện với áp lực bị loại bỏ khỏi thị trường. Trong khi đó, giới tư nhân là người nắm rõ nhu cầu thị trường nhất, và cũng là người phải chịu áp lực bảo toàn lợi nhuận, hai điều kiện này đủ cho thấy khu vực tư nhân hoàn toàn vượt trội chính phủ trong việc (1) nhanh chóng phát hiện nhu cầu và (2) quản lý ngân sách hiệu quả.

Từ những dẫn chứng và phân tích ở trên, ta rút ra 5 kết luận:
1. Chính phủ RẤT KÉM trong việc xác định nhu cầu thực tế của người dân và phân bổ nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu đó. Tự mỗi cá nhân mới có thể biết được họ muốn gì và cần gì. Kinh tế gia cánh tả Keynes từng nói rằng “Trong dài hạn, tất cả chúng ta đều chết” (In the long run we are all dead) để nhấn mạnh sự cần thiết của các gói cứu trợ ngắn hạn từ chính phủ. Tuy nhiên, ông lại lươn lẹo (theo cách nói của giới trẻ hiện nay) bỏ qua những người chết vì sự phân bổ nguồn lực thiếu hiệu quả của chính phủ.
Giá mà các Keynesian chứng kiến cảnh người dân miền Trung tại Việt Nam tuyệt vọng thế nào khi chờ đợi ngân sách cứu trợ của chính phủ. Giá mà họ thấy được hoạt động từ thiện của các cá nhân/tư nhân hiệu quả và nhanh chóng như thế nào trong đợt lũ vừa qua.
2. Cá nhân, hoặc nhóm tư nhân hoàn toàn CÓ THỂ thực hiện những công việc trước giờ được MẶC ĐỊNH là trách nhiệm của chính phủ, thậm chí làm tốt hơn. Dĩ nhiên rồi. Có rất nhiều câu chuyện tư nhân đầu tư hệ thống đường sá hiệu quả hơn chính phủ tôi khó mà kể hết. Như Sài Gòn có đoạn đường khu Phú Mỹ Hưng tuyệt đẹp (của tư nhân) và con đường Huỳnh Tấn Phát bị xuống cấp trầm trọng (của nhà nước). Như Hà Nội có khu đô thị hoa lệ The Manor Central Park (của tư nhân) so với “trận địa” ổ gà trên đường Cầu Giấy (của nhà nước).
3. Chính phủ là một thực thể thu hút QUYỀN LỰC, do đó nó sẽ tìm mọi cách hòng chứng minh sự cần thiết của mình và TẨY NÃO người dân để ngày càng phụ thuộc vào nó. Có một nguyên tắc luôn đúng khi nói đến sự phụ thuộc vào chính phủ: khi chính phủ ngày một lớn, nó sẽ càng quyết định ai xứng đáng nhận được bao nhiêu. Đây là thứ quyền lực luôn được sử dụng để bảo vệ quyền lợi cho nhóm có cùng quan điểm với chính phủ. Và những người có “quan điểm sai” sẽ buộc phải từ bỏ những giá trị mình theo đuổi để phục vụ cho lợi ích quốc gia (thực tế chỉ là lợi ích của một nhóm người nắm giữ quyền lực).

4. Khu vực tư nhân chính là MỐI ĐE DỌA lớn nhất của chính phủ, vì nó chứng minh một thực tế rằng ta không cần chính phủ nhiều như ta nghĩ. Cái gai trong mắt chắc chắn cần phải bị loại bỏ. Đây là lý do vì sao bất cứ chính phủ nào cũng muốn thao túng thị trường tự do.
5. Những gì phát sinh từ lòng TỰ NGUYỆN mới có thể mang đến sự VIÊN MÃN, HẠNH PHÚC. Sự kiểm soát hoặc tác động của chính phủ chỉ tạo ra xung đột hoặc cái chết. Xem thêm: Thương mại tự do là chìa khóa cho hòa bình thế giới.
Từ rất lâu rồi, mỗi khi nhắc đến mô hình chính phủ giới hạn hay ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân, câu hỏi “không có chính phủ, ai sẽ xây dựng đường sá” lại vang lên như một thách thức với triết lý tự do của cánh hữu. Đến nỗi nó dường như trở thành một thứ vũ khí của cánh tả nhằm “checkmate” anh em nào chưa nắm vững nguyên tắc hoạt động của thị trường. Nếu không thể chứng minh tính khả thi trong việc áp dụng nguyên lý tự do vào một thị trường quan trọng như đường sá (thứ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống logistics quốc gia) thì toàn bộ lý luận thị trường tự do của giới hữu khuynh ta xem như vứt sọt. Vì vậy, tôi mong bài viết này sẽ cung cấp thêm luận cứ cho anh em – những người yêu tự do chân chính – để vững tin vào con đường mà chúng ta theo đuổi. Dù cho gặp phải những câu hỏi tương tự như Ai vận hành hệ thống bus? Ai làm mạng lưới điện? Ai cung cấp đường nước sạch? Ai quản lý hoạt động vệ sinh công cộng? thì câu trả lời vẫn như một: Không phải chính phủ.
Cảm ơn anh vì bài viết rất hay . Anh có thể giải thích về quyết định tạm hoãn thương vụ IPO của Ant ( do Jack Ma làm chủ ) được không ? Theo anh thì sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc là đúng hay sai ?
Bài viết rất hay và bổ ích ạ
Đoán xem với nước Mỹ:
Nước
https://www.hcn.org/issues/52.12/south-pollution-in-california-1-million-people-lack-access-to-clean-water
https://www.kqed.org/science/1920428/californians-are-struggling-to-pay-for-rising-water-rates
Điện:
https://www.utilitydive.com/news/the-texas-electricity-crisis-and-the-energy-transition/595315/
https://theconversation.com/whats-behind-15-000-electricity-bills-in-texas-155822
Câu chuyện loại bỏ vai trò của Nhà Nước trong nền kinh tế không mới, nhưng tất cả đều đi đến thật bại. Các cuộc khủng hoảng kinh tế đều là do thiếu sự can thiệp của Nhà Nước.
Cơ bản vẫn là chủ nghĩa tân tự do.
Bạn đăng bài tiếng Việt duy nhất về Ngụy Biện Cửa Sổ vỡ mà lại đi phủ nhận đầu tư công của Nhà Nước, thực thể giữ giá sinh hoạt của bạn xuống thấp giúp bạn có tiền để đầu tư sinh lời ở lĩnh vực khác.