tại sao có quốc gia giàu và nghèo?

Sự thịnh vượng có từ đâu? Tại sao có những quốc gia rất giàu, trong khi số khác lại rất nghèo? Có những nơi ban đêm rất sáng, trong khi nơi khác lại rất ít ánh đèn? Từ rất lâu, con người vẫn luôn tìm lời giải cho những câu hỏi đó.

Lý giải về nguồn gốc của sự thịnh vượng

Adam Smith đã nhìn thấy những sự đối lập đó vào năm 1776 và đưa những câu hỏi ấy vào trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia” (The Wealth of Nations). Đây là cuốn sách kinh tế học hay nhất mọi thời đại. Theo Adam, mấu chốt dẫn đến sự khác biệt giữa quốc gia giàu và quốc gia nghèo rất đơn giản, đó là tự do kinh tế.

Phát biểu của Adam Smith

Điều kiện tiên quyết để đưa một quốc gia từ mức độ man rợ thấp nhất đến phồn thịnh cao nhất là không gì khác ngoài hòa bình, thuế khóa vừa phải, và một chính quyền tôn trọng công lý: mọi điều còn lại là do quá trình tự nhiên của sự vật đem tới[1]

Liệu Adam Smith đúng hay sai? Rằng việc chính phủ ít nhúng tay vào nền kinh tế sẽ mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia đó. Làm sao chúng ta kiểm chứng được điều đó?

Có một cách, đó là thông qua bảng xếp hạng tự do kinh tế toàn cầu. Bảng xếp hạng đo lường mức độ tự do kinh tế của một quốc gia thông qua các chính sách ảnh hưởng đến sự lựa chọn cá nhân, quyền tư hữu và tự do trao đổi hàng hóa. Chúng ta có thể dùng các chỉ số trong báo cáo để hình thành bảng xếp hạng toàn cầu và thấy được mối liên hệ giữa tự do và phát triển. Hiện các bạn có thể tham khảo mức độ tự do kinh tế của từng quốc gia thông qua bảng xếp hạng tự do kinh tế toàn cầu của The Heritage Foundation hoặc báo cáo của Fraser Institute.

Tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế, 1990 – 2010. Nguồn: Viện Fraser.
Tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế, 1990 – 2010. Nguồn: Viện Fraser.

Hãy nhìn vào 4 nhóm trong bảng xếp hạng từ nhóm ít tự do nhất đến nhóm tự do nhất. Những quốc gia có chỉ số tự do kinh tế thấp nhất là những quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp nhất. Trong khi, người dân ở những quốc gia có chỉ số tự do kinh tế cao nhất có mức sống cao hơn gấp 8 lần. Qua đó ta thấy rằng, tự do kinh tế mới là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng.

Vị trí địa lý, tài nguyên, con người có làm nên sự thịnh vượng?

Nếu bạn nghĩ rằng sự giàu có của quốc gia còn phụ thuộc vào địa lý, tài nguyên, hay con người thì hãy đặt ra trong đầu những câu hỏi sau.

1. Trữ lượng dầu của Venezuela cao gấp 12 lần Qatar, tại sao Qatar lại rất giàu trong khi người dân Venezuela bới rác mà ăn?

2. Triều Tiên và Hàn Quốc, hai quốc gia tương đồng về văn hóa, địa lý và tài nguyên thiên nhiên. Nhưng thu nhập người dân Hàn Quốc cao gấp 10 lần thu nhập người dân Triều Tiên. Còn ban đêm hai quốc gia thì sao? Triều Tiên gần như không hề có ánh sáng.

3. Hay tạo sao lại sự khác biệt lớn về mức sống và dân trí giữa người Trung Hoa Đại Lục và người Hoa tại Singapore?

4. Tại sao người Việt Nam lại có nhiều cơ hội thành công hơn khi ra nước ngoài, chứ không phải ngay tại Việt Nam?

Đơn giản vì chỉ số tự do kinh tế Qatar cao hơn Venezuela, Hàn Quốc cao hơn Triều Tiên, Singapore cao hơn Trung Quốc, và nước ngoài (cụ thể là các nước tư bản) cao hơn Việt Nam. Chìa khóa của sự thịnh vượng không nằm ở con người, tài nguyên hay địa lý, mà là ở các chính sách từ chính phủ, về mức độ tự do kinh tế của người dân.

Vì thế nếu bạn muốn đất nước thịnh vượng và phát triển hơn, cái bạn cần quan tâm đó chính là tự do hóa nền kinh tế.

[1]Little else is requisite to carry a state to the highest degree of opulence from the lowest barbarism but peace, easy taxes, and a tolerable administration of justice: all the rest being brought about by the natural course of things – Adam Smith.