TĂNG VAT – TRẬN ĐÁNH ĐẸP GIỮA WORLD BANK VÀ BỘ TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, đã có một phát ngôn dường như ủng hộ việc tăng VAT của chính phủ Việt Nam. Theo ông, giữ VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu và đề xuất cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính là “rất quan trọng và kịp thời”. Tại sao World Bank lại bất ngờ ủng hộ chính phủ Việt Nam tăng VAT?

Chủ đề “tăng VAT” gần đây gặp phải chỉ trích vô cùng mạnh mẽ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 93 triệu người dân Việt Nam. Có lẽ vì thế mà Bộ Tài chính đã phải “cầu cạnh” một chuyên gia kinh tế từ World Bank để “giải vây” cho mình. Tất nhiên, không phải những gì chuyên gia nói đều đúng, và vì họ là chuyên gia nên sẽ dễ dẫn dắt người dân bằng cái “uy tín” của họ. Dưới đây là những lý do tại sao tăng VAT là một việc làm không cần thiết cho nền kinh tế lúc này.

1. Thuế tại Việt Nam đâu có phục vụ người dân Việt Nam

Ông Sebastian Eckhardt sở hữu bằng Thạc sĩ Khoa học của trường Đại học Birmingham, Anh và Tiến sĩ về Tài chính công của trường Đại học Potsdam, Đức. Ông đã áp dụng rất tốt lý thuyết đã học vào các lập luận của mình, nhưng những lý thuyết đó ông học tại các quốc gia tư bản, đó là các thị trường tự do có một cơ chế minh bạch. Còn ở Việt Nam thì khác. Thuế ở Việt Nam không phục vụ cho mục đích an sinh xã hội như tại Đức (quốc gia của ông), mà là để nuôi một bộ máy công quyền cồng kềnh, chi trả các khoản nợ công, bù đắp các khoản lỗ nghìn tỷ của doanh nghiệp nhà nước, hay đắp vào các khoản đầu tư công lãng phí cũng như thất thoát.

Ông Sebastian đưa ra lập luận ủng hộ chính phủ tăng VAT, nhưng ông không hề nhắc đến quyền lợi của người dân từ việc tăng VAT có tương xứng hay không.

Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam.
Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam.

2. Nên nhớ, World Bank là chủ nợ của Việt Nam

Wold Bank hay IMF cũng chỉ là các “ngân hàng” và định chế tài chính; đã là ngân hàng thì sẽ tìm kiếm lợi nhuận thông qua lãi suất cho vay. World Bank với tôn chỉ cao đẹp là hỗ trợ phát triển và xóa đói giảm nghèo, nhưng bản chất thì vẫn là một thương vụ “làm ăn lớn” với các chính phủ. Mật ngọt thì chết ruồi. Các tổ chức như World Bank nổi tiếng với việc cho các chính phủ vay những gói khổng lồ, sau đó ép các chính phủ thực hiện chính sách trả nợ, buộc quốc gia đó phải siết chặt an sinh xã hội và đè người dân ra thu thuế. Chúng ta đã quen với những lời có cánh từ World Bank như “hỗ trợ vốn, hỗ trợ cải cách tài khóa” cho các quốc gia nghèo, nơi tồn tại những chính phủ “dốt” về kinh tế.

Cho nên, tôi không quá bất ngờ khi ông Sebastian ủng hộ việc tăng VAT. Hiện nay, World Bank là chủ nợ của Việt Nam, và chủ nợ nào mà không muốn thúc giục con nợ mau trả tiền cho mình. Bằng chứng là World Bank đã “lộ mặt thật” khi vừa qua tổ chức này đã buộc chính phủ Việt Nam phải chọn một trong hai phương án: phải trả nợ nhanh gấp đôi hoặc chấp nhận tăng lãi suất lên 2-3.5%/năm (trước đó chỉ 0.7-0.8%/năm). Năm ngoái, World Bank thậm chí còn “dụ dỗ” chính phủ Việt Nam khi nói rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn ở mức “an toàn”.

Ủng hộ tăng VAT, như nhà báo Trần Phi Tuấn nói, là một “trận đánh đẹp” phối hợp nhịp nhàng giữa World Bank và Bộ Tài chính. Một người tung, một người hứng.

3. Sebastian Eckhardt mắc lỗi sơ đẳng đến… ngớ ngẩn

Ông Sebastian nói rằng: “Tại Việt Nam, theo tính toán của chúng tôi, 20% người nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu VAT, trong khi con số chi trả của người giàu là gần 40%. Điều này có nghĩa, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10,000 đồng do thuế suất VAT thấp, thì hộ giàu tiết kiệm được 40,000 đồng. Vì vậy, thuế suất VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo”.

TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo tại Khoa Chính sách công và Quản lý tại Đại học Fulbright Việt Nam, vừa qua đã có màn đáp trả không thể “đẹp” hơn cho ông Sebastian.

Có thực sự là thuế suất VAT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo hay nói cách khác là tăng VAT thì người giàu chịu gánh nặng thuế nhiều hơn?

Theo điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân một tháng của một nhân khẩu của 20% dân số có thu nhập nhất là 660 nghìn đồng và 20% dân số có thu nhập cao nhất là 6.413 nghìn đồng, gấp 9.7 lần nhóm thấp nhất.

Tính ra, tổng thu nhập của nhóm thấp nhất (20%) chỉ chiếm 4.2% tổng thu nhập của các hộ gia đình cả nước, trong khi nhóm cao nhất (20%) là 48.6%.

Khi nhóm thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm cao nhất nộp gần 40% VAT thì thuế suất trên một đồng thu nhập của nhóm thấp nhất gấp hơn 2.6 lần nhóm cao nhất [(9%/4.2%)/(<40%/48.6%)].

Nói cách khác là VAT ở Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỷ phần thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo.

Như vậy, kết luận phải là khi tăng VAT thì gánh nặng của người nghèo cao hơn người giàu chứ không phải là ngược lại như phát biểu được báo trích dẫn của ông Sebastian Eckhardt.

Cũng có thể là truyền thông không nêu hết ý của ông Sebastian Eckhardt, nhưng nếu đúng ông ấy nói như vậy thì rất ngạc nhiên khi một người có vai vế của một tổ chức có uy tín lại dùng kỹ xảo của con số tuyệt đối như vậy.

Khoảng cách thuế chỉ là 4 lần, trong khi khoảng cách thu nhập gần 10 lần (khoảng cách thu nhập hiện tại có thể đã hơn 10 lần nếu xu hướng từ năm 2002 đến nay được duy trì – từ 8.1 lên 9.7 lần) và tính lũy thoái hay lũy tiến của thuế được tính theo tỉ lệ chứ việc người có thu nhập cao hơn nộp thuế cao hơn (về giá trị tuyệt đối) gần như là hiển nhiên mà.

Thuế suất các nhóm hàng, dịch vụ sẽ tăng từ ngày 01/01/2019. Nguồn: Tuổi trẻ Online.
Thuế suất các nhóm hàng, dịch vụ sẽ tăng từ ngày 01/01/2019. Nguồn: Tuổi trẻ Online.

4. Tăng VAT cho hợp… thông lệ quốc tế?

Về phần Chính phủ Việt Nam, có vẻ như họ muốn tăng VAT để “bằng bạn bằng bè” với các nước khác. Thực tế, làm gì có cái gọi là “thông lệ quốc tế” trong việc thu thuế GTGT.

Đồng thời, không thể so sánh việc tăng thuế của Việt Nam so với các nước tư bản. Không phải cứ thấy “người ta” làm gì rồi bắt chước làm theo. Nền kinh tế các nước tư bản thường dính phải các đòn giảm phát nên mới cần tăng thuế để kích cầu; còn Việt Nam là nền kinh tế hay gặp phải rủi ro lạm phát (inflation risk), tăng thuế tại Việt Nam lúc này chỉ “mở đường” cho lạm phát tăng cao thêm.

5. Tăng VAT không ảnh hưởng gì đến người nghèo?

Vừa qua, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), phát biểu rằng rau, thịt không phải chịu thế GTGT nên dù tăng VAT bao nhiêu thì cũng không ảnh hưởng gì, nên dân nghèo đừng lo.

Trước hết, thuế giá trị gia tăng (VAT) là một loại thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm, tức doanh nghiệp sẽ là người thu hộ. Nói ngắn gọn hơn, nếu tăng VAT thì tất cả 93 triệu người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng hết, không thể nói là không ảnh hưởng.

“Rau, thịt không bị đánh thuế nên sẽ không ảnh hưởng”, tôi không biết ông Vụ trưởng có hiểu được thế nào là liên kết ngành không? Mớ rau, con cá, cân thịt cũng cần phải có vật tư đầu vào: trồng rau phải có phân bón, nuôi lợn nuôi cá phải có thức ăn, muốn sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì cũng cần phải vận chuyển, v.v. Tất cả chi phí này đều được đưa vào giá bán sản phẩm.

Không chỉ người tiêu dùng chịu ảnh hưởng, doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Tăng VAT sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, kéo theo giá bán tăng. Giá tăng sẽ khiến chi tiêu tiêu dùng giảm, cầu sẽ giảm và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng theo.

Cuối cùng, ta thường nghe cụm từ “động viên thu ngân sách để phục vụ việc phát triển kinh tế” – một lời nói dối ngọt ngào từ chính phủ. Hãy nhìn vào thực tế, việc tăng thuế để bổ sung ngân sách đâu phải phục vụ phát triển kinh tế, mà là để trả nợ, để bù đắp thâm hụt ngân sách triền miên của một bộ máy không hiệu quả. Chính phủ Việt Nam vốn chỉ biết dùng thủ thuật kích thích kinh tế bằng tài chính mặc dù tiền dư thừa, họ không bao giờ biết rằng để vực dậy nền kinh tế, chính phủ cần phải giảm thuế cho doanh nghiệp, nhường lại thị trường cho khu vực tư nhân và cắt giảm bộ máy công quyền vô tích sự đang hàng ngày ăn bám trên tiền thuế của người dân.