Tư duy về kinh tế – chính trị giữa người Việt và phương Tây quả thực khác biệt. Chưa bàn đến đúng sai. Nhưng thực sự rất khác biệt. Trước khi đọc tiếp những dòng tiếp theo, tôi muốn chúng ta phải thống nhất một điều, đó là hãy tôn trọng sự khác biệt – thứ đã phổ biến ở một xã hội đa nguyên như phương Tây.

Thường thì, người Việt ta có thể ngồi lê đôi mách đủ chuyện Đông Tây kim cổ, nhưng có một quy tắc bất thành văn, đó là không được bàn về chính trị. Vì nó nhạy cảm. Như cô thiếu nữ mới lớn e thẹn trong lần đầu nắm tay người yêu. Điều này khác với Tây phương, khi chính trị là một đề tài được bàn tán sôi nổi ở từng góc phố, nhà trường, nơi công sở, báo đài, cho đến mọi ngóc ngách trên không gian mạng. Thế nên, có những quan điểm của phương Tây vốn phổ biến, nhưng nghe có vẻ lạ lẫm với người Việt; ngược lại, có những suy nghĩ đã ăn sâu vào người Việt cũng làm cho nhiều người phương Tây cảm thấy khó hiểu.

1. Người Việt: “Đóng thuế là yêu nước”

Câu nói này do ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát biểu tại Lễ công bố 1.000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam 2017. Nguyên văn như sau:

Nếu đóng thuế là yêu nước thì những ai đóng thuế nhiều là yêu nước nhiều.

Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Nào. Hãy thừa nhận, đây không chỉ là quan điểm của riêng ông Lộc, mà đa phần người Việt đều có cùng suy nghĩ như vậy. Tôi cũng từng như vậy. Hầu hết chúng ta cho rằng đóng thuế là cách để đóng góp cho quốc gia. Chính phủ có tiền thì mới có thể phát triển đất nước. Do đó, khi dâng từng đồng tiền thuế của mình lên chính phủ, ta cảm thấy như mình vừa góp phần vào sự phát triển, vô hình chung điều đó lại trở thành thước đo cho lòng yêu nước của mỗi người.

“Bạn làm gì cho đất nước chưa?” – “Tôi đóng thuế nhiều hơn anh đấy!”. Nghe quen chứ?

Quan điểm phương Tây

Thuế, phí là phạm trù vật chất. Còn yêu nước là một thuộc tính tự nhiên, thuộc phạm trù ý thức và tinh thần.

Thuế, phí được tính bằng tiền, có giới hạn và được thực hiện bằng quyền lực chính phủ – tức cưỡng ép. Trong khi yêu nước là một nghĩa cử thiêng liêng, cao đẹp, vô giá, vô giới hạn và hoàn toàn tự nguyện.

Ở Đức, Toà án Hiến pháp từng ra án quyết “người dân không có trách nhiệm đóng thuế nhiều cho nhà nước, mà hơn thế, họ có quyền tính toán pháp lý sao cho đóng thuế ít nhất”. Câu nói đó đã trở thành khẩu hiệu ở nhiều văn phòng tư pháp tại quốc gia này.

Xem thêm: Thế nào là một quốc gia hạnh phúc?

Đóng thuế nhiều cũng không phải là cách giúp đất nước phát triển hơn. Đánh thuế doanh nghiệp cao sẽ khiến nhiều công ty phá sản, lao động mất việc làm, cản trở công nghệ phát triển. Càng nhiều loại thuế thì càng phải thành lập nhiều cơ quan kiểm soát, càng dễ sinh tham ô, tham nhũng. Cho nên tốt nhất là tiền ai nấy xài, tôn trọng quyền tự do cá nhân, thuế khóa chỉ nên vừa đủ cho các dịch vụ công thiết yếu.

Với người phương Tây, đánh thuế còn được xem là hành vi ăn cắp [của chính phủ] – “taxation is theft”. Thậm chí có một câu nói truyền tai nhau giữa các phụ huynh rằng: “Muốn dạy con bài học về đóng thuế? Hãy ăn một nửa cây kem của chúng”.

Nói đi cũng phải nói lại, Tây cũng có Tây this Tây that. Không phải ai cũng muốn cắt giảm thuế. Một số kẻ lười biếng thường có xu hướng ủng hộ tăng thuế. Bởi nếu không có tiền thuế, họ sẽ bị cắt khoản trợ cấp từ chính phủ, đồng nghĩa với việc phải xách mông lên tìm việc làm. Mà những chính trị gia ủng hộ chính sách tăng thuế cũng không ít, họ là những người Xã hội Chủ nghĩa như Barack Obama, Hillary Clinton, Joe Biden và Bernie Sanders.

2. Người Việt: “Yên bình sẽ phát triển”

Với người Việt Nam: Yên bình thì người dân mới yên ổn làm ăn. Yên bình thì mới thúc đẩy du lịch. Yên bình thì đất nước mới phát triển. Tự do thì có mà loạn.

Chỉ cần yên bình là đất nước giàu mạnh. Đây là công thức phát triển đất nước độc đáo không thể tìm được trong bất cứ tài liệu hay học thuyết kinh tế – chính trị nào. Cho nên khi ai đó lên án tiêu cực tại Việt Nam, họ thường bị tấn công, đe dọa vì cả gan làm “xáo trộn” sự ổn định xã hội, kìm hãm sự phát triển.

Quan điểm phương Tây

Công thức phát triển của phương Tây gói gọn trong hai chữ “tự do”. Trong đó, quyền tự do kinh tế, tự do chính trị và tự do cá nhân là nòng cốt cho những quyền tự do khác.

Tự do kinh tế cho người dân quyền tư hữu tuyệt đối, thực hiện đầy đủ các quyền tự do lưu thông về nhân công, tiền vốn, hàng hóa, và hoàn toàn không có sự chèn ép hay giới hạn tự do kinh tế nào, ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để họ bảo vệ và duy trì sự tự do đó.

Xem thêm: Tự do kinh tế là gì? Đo lường chỉ số tự do kinh tế

Tự do chính trị là quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm. Nhờ đó, con người có thể tự do ngôn luận, chia sẻ quan điểm và tiếp cận thông tin, tri thức đa chiều; hay tự do tư duy giúp chúng ta phân biệt đúng sai và thoải mái sáng tạo.

Tự do cá nhân cho chúng ta quyền tự do lựa chọn và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì để áp đặt ý muốn của chúng ta.

Nền chính trị, xã hội phương Tây nào có yên bình như Việt Nam ta? Ấy vậy mà họ lại vô cùng phát triển. Cũng chẳng cần nói đâu xa, ngay như Thái Lan, người dân họ biểu tình, bạo loạn thường xuyên nhưng nền du lịch nước họ lại phát triển hơn hẳn chúng ta. Thế mà tưởng đâu xã hội bất ổn sẽ không ai dám đến du lịch nhỉ?

3. Người Việt: “Đã có Nhà nước lo”

Quan chức sai phạm, tham nhũng đã có Nhà nước lo; bầu cử thì cũng đảng cử dân bầu; hoạch định chính sách thì đã có Nhà nước nghĩ giùm và lo giùm; muốn nói gì thì đã có báo chí Nhà nước nói thay. Thành thử ra bây giờ người Việt khá an phận. Với họ, yên bình là đủ rồi, hà cớ chi mà phải biểu tình, lo chuyện chính trị như nước khác. Bao nhiêu năm chiến tranh thế chưa đủ sao? Nên thôi ta mặc kệ, an phận thủ thường, sống cuộc đời vô tư không lo nghĩ, đều đặn đóng thuế, mọi chuyện đã có Nhà nước lo rồi.

Quan điểm phương Tây

Người phương Tây đề cao tự do chính trị. Khác với người Việt “đã có Nhà nước lo”, người phương Tây từ lâu nhận thấy nhà cầm quyền là nguy cơ, chứ không phải giải pháp cho vấn đề của họ. Người dân có quyền, và phải tham gia vào bộ máy Nhà nước.

Xem thêm: In tiền, lạm phát và trò lừa tăng trưởng GDP

Montesquieu từng viết trong quyển Tinh thần Pháp luật (The Spirit of Laws): “Kinh nghiệm lịch sử bao đời cho thấy, người nắm quyền lực thường có khuynh hướng lạm quyền và cách tốt nhất để chống lạm quyền là phải chống độc quyền, là phân chia sao cho các quyền này kiềm chế lẫn nhau.”

Vậy thực hiện bằng cách nào? Để giảm thiểu quyền lực tập trung vào một nhóm, họ chia nhà nước làm nhiều cơ quan khác nhau. Phổ biến nhất là mô hình tam quyền phân lập (trias politica), trong đó 3 quyền của nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

  • Lập pháp (hiểu đơn giản, là cơ quan lập ra pháp luật) biểu hiện ý chí chung của quốc gia. Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân, tức Quốc hội.
  • Hành pháp (cơ quan thi hành pháp luật, hay chính phủ) thực hiện luật pháp đã được thiết lập.
  • Tư pháp (cơ quan bảo vệ pháp luật) nhằm xử lý những hành vi vi phạm và giải quyết xung đột giữa các cá nhân. Các thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật.
Tam quyền phân lập tại Mỹ

Việc phân nhánh như vậy nhằm cân bằng quyền lực giữa các cơ quan với nhau, không có loại quyền lực nào vượt trội hơn quyền lực nào. Người Việt ta thường gọi Tổng thống Mỹ là “người quyền lực nhất nước Mỹ”. Gọi như vậy là không đúng. Tổng thống họ chỉ có 33.33% quyền hành thôi, phần còn lại do Quốc hội (lưỡng viện) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nắm giữ.

Trong khi người Việt không màng đến chính sự, xem người chỉ trích lãnh đạo như những kẻ phản quốc; thì người phương Tây giám sát chính quyền rất chặt chẽ, họ biểu tình thường xuyên để cất lên tiếng nói, họ không “tin tưởng tuyệt đối” bất cứ nhà lãnh đạo nào. Như nhà văn Mark Twain từng nói: “Chính trị gia và tã lót phải được thay thường xuyên, vì cùng một lý do.”

Trong khi người Việt phó thác mọi quyết định chăm lo đời sống vào tay Nhà nước; thì phương Tây họ quan niệm rằng chính phủ càng nhỏ càng tốt. Nhỏ là sao? Là hạn chế quyền lực của nó đến mức tối thiểu. Tôi xin trích lại một đoạn trong diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1981 của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan:

“Trong cơn khủng hoảng hiện tại, chính phủ không phải giải pháp cho vấn đề của chúng ta. Chính chính phủ mới là vấn đề.

Chúng ta thường bị nhồi sọ rằng xã hội quá phức tạp nên không thể tự chủ. Rằng chính phủ điều hành bởi một nhóm thiểu số ưu tú sẽ tốt hơn một chính phủ của dân, do dân, và vì dân. Vậy nếu không ai trong chúng ta có thể tự giải quyết vấn đề của chính mình, vậy làm gì có ai có đủ khả năng để quyết định vấn đề của người khác?”