Chỉ số tự do kinh tế được công bố thường niên kể từ năm 1995 bởi The Heritage Foundation và The Wall Street Journal để đo lường mức độ tự do kinh tế. Thông qua chỉ số tự do kinh tế và bảng xếp hạng tự do kinh tế toàn cầu, ta có thể thấy những khu vực thịnh vượng nhất là những khu vực có chỉ số tự do kinh tế cao nhất, như Hongkong và Singapore; những khu vực nghèo nhất là những khu vực có chỉ số tự do kinh tế thấp nhất, như Cuba, Venezuela và Triều Tiên.

Xem thêm: Bảng xếp hạng tự do kinh tế các quốc gia

Tự do kinh tế là gì?

Tự do kinh tế là quyền cơ bản của mỗi con người để kiểm soát sức lao động và tài sản của chính mình. Trong một xã hội tự do về kinh tế, các cá nhân tự do làm việc, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư theo cách mà họ muốn. Trong các xã hội tự do về kinh tế, các chính phủ cho phép lao động, vốn và hàng hóa tự do lưu thông, mà không có sự chèn ép hay giới hạn tự do ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để họ bảo vệ và duy trì sự tự do đó.

Năm 2020, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam đứng thứ 105 thế giới, cao hơn Lào và Campuchia trong khối ASEAN, với điểm số 58.8 – tức ở mức gần mất tự do (mostly unfree).

Phương pháp tính chỉ số tự do kinh tế

Chỉ số tự do kinh tế được tính dựa trên 12 thành phần tự do kinh tế, chia thành 4 nhóm: Nền pháp quyền, Quy mô Chính phủ, Hiệu quả Điều tiết, Thị trường Tự do.

Dữ liệu cho nghiên cứu được thu thập từ các tổ chức uy tín như World Bank, IMF, Economist Intelligence Unit và Transparency International. Mỗi chỉ số tự do được đo theo thang điểm 100 (từ 0 – 100 điểm), với 0 là ít tự do nhất và 100 là tự do nhất. Điểm số 100 là báo hiệu của một môi trường tự do hay các chính sách có lợi nhất để dẫn đến tự do kinh tế.

Nhóm 1: Nền pháp quyền (Rule of Law)

  • Quyền tư hữu (Property Rights)

Quyền tư hữu đánh giá mức độ tự do mà khung pháp lý của một quốc gia cho phép các cá nhân tư hữu tài sản, được đảm bảo bởi những quy định rõ ràng và được chính phủ thực thi một cách hiệu quả. Chỉ số được công bố dựa trên sự kết hợp giữa dữ liệu khảo sát và các đánh giá độc lập từ phía tổ chức The Heritage Foundation, qua đó cung cấp một thang đo định lượng về mức độ bảo vệ của luật pháp quốc gia cho quyền tư hữu tài sản của người dân, và hiệu lực của những luật pháp đó.

Điểm số quyền tư hữu được tính bằng số trung bình cộng (không đặt trọng số) của 5 yếu tố phụ, gồm:

1. Quyền tư hữu tài sản vật lý;
2. Quyền sở hữu trí tuệ;
3. Mức độ bảo vệ nhà đầu tư;
4. Nguy cơ bị tước đoạt tài sản;
5. Chất lượng quản lý đất đai.

  • Hiệu quả tư pháp (Judicial Effectiveness)

Để bảo vệ các quyền của công dân khỏi những hành vi bất hợp pháp của người khác cần thiết phải có những khung pháp lý hiệu quả. Hiệu quả tư pháp đòi hỏi các hệ thống tư pháp phải có tính hiệu quả và công bằng để đảm bảo luật pháp được tôn trọng một cách tuyệt đối.

Điểm số hiệu quả tư pháp được tính bằng số trung bình cộng (không đặt trọng số) của 3 yếu tố phụ, gồm:

1. Mức độ độc lập của bộ máy tư pháp;
2. Chất lượng của quá trình tư pháp;
3. Khả năng có được các quyết định tư pháp thuận lợi.

  • Chính phủ liêm chính (Government Integrity)

Tham nhũng làm xói mòn tự do kinh tế bởi nó mang sự ép buộc và bất ổn vào các mối quan hệ kinh tế. Mối quan tâm lớn nhất ở đây chính là sự tham nhũng mang tính hệ thống của các cơ quan chính phủ làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định thông qua tham ô, hối lộ, mua chuộc, tống tiền, gia đình trị, sự thân hữu, nâng đỡ.

Điểm số chính phủ liêm chính được tính bằng số trung bình cộng (không đặt trọng số) của 6 yếu tố phụ, gồm:

1. Sự tín nhiệm của công chúng đối với các chính trị gia;
2. Thanh toán các khoản không theo quy tắc và hối lộ;
3. Sự minh bạch khi hoạch định chính sách của chính phủ;
4. Không tham nhũng;
5. Nhận thức về tham nhũng;
6. Tính minh bạch trong hoạt động chính phủ và trong công vụ.

Nhóm 2: Quy mô chính phủ (Government Size)

  • Gánh nặng thuế (Tax Burden)

Gánh nặng thuế phản ánh mức thuế suất biên trên thu nhập cá nhân lẫn doanh nghiệp, và mức thuế chung (bao gồm các loại thuế gián thu và trực thu được áp bởi các cấp chính quyền) dưới dạng tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Điểm số gánh nặng thuế được tính dựa trên 3 yếu tố phụ, gồm:

1. Thuế suất biên cao nhất của cá nhân;
2. Thuế suất biên cao nhất của doanh nghiệp;
3. Tỷ lệ phần trăm gánh nặng thuế trên GDP.

  • Chi tiêu chính phủ (Government Size/Spending)

Chi tiêu chính phủ thể hiện mức độ chi tiêu của chính phủ tính theo phần trăm GDP, bao gồm việc tiêu dùng và điều động ngân sách. Thực tế, không có căn cứ nào để xác định mức chi tiêu tối ưu cho một chính phủ, mà nó sẽ tùy thuộc vào các yếu tố từ văn hóa, địa lý, thiên tai đến mức độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiều thời điểm, chi tiêu chính phủ trở thành gánh nặng không thể tránh khỏi dẫn đến lãng phí tài nguyên và đánh mất hiệu quả kinh tế. Chính phủ chi tiêu quá đà sẽ gây thâm hụt ngân sách kinh niên và tích tụ nợ công.

Việc tính điểm theo cách tính chi tiêu càng nhiều, điểm số càng thấp (với chi tiêu bằng 0 làm điểm chuẩn) sẽ không thực tế, vì một số quốc gia kém phát triển, đặc biệt là ở một số quốc gia mà năng lực của chính phủ yếu kém, có thể nhận được điểm số cao một cách giả tạo. Chất lượng dịch vụ công của các chính phủ này thường ít hoặc kém chất lượng, do đó, các quốc gia này sẽ có khả năng nhận điểm số thấp ở các yếu tố tự do kinh tế khác như quyền tư hữu, tự do tài chính, tự do đầu tư. Vì thế, chi tiêu chính phủ gần bằng 0 sẽ bị “phạt nhẹ”, chi tiêu quá 30% GDP thì điểm số sẽ giảm mạnh, và chi tiêu quá 58% GDP sẽ nhận điểm 0.

  • Tình hình tài khóa (Fiscal Health)

Bội chi ngân sách và nợ công gia tăng gây ra bởi việc quản lý ngân sách yếu kém của chính phủ sẽ làm xấu đi tình hình tài khóa của quốc gia, từ đó dẫn đến sự bất ổn về kinh tế và kinh tế vĩ mô.

Nợ là sự tích lũy của thâm hụt ngân sách theo thời gian. Về lý thuyết, việc huy động vốn cho chi tiêu công sẽ có những đóng góp tích cực cho việc đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nợ công gia tăng do thiếu hụt ngân sách kéo dài, đặc biệt là việc chi tiêu cho tiêu dùng chính phủ hay các khoản thanh toán, thường làm suy giảm tăng trưởng năng suất chung và khiến nền kinh tế trì trệ hơn là thúc đẩy phát triển.

Điểm số tình hình tài khóa được tính dựa trên 2 yếu tố phụ, gồm:

1. Tỷ lệ các khoản thâm hụt trung bình trên GDP (chiếm 80% điểm số);
2. Tỷ lệ nợ công trên GDP (chiếm 20% điểm số).

Nhóm 3: Hiệu quả Điều tiết (Regulatory Efficiency)

  • Tự do kinh doanh (Business Freedom)

Thành phần tự do kinh doanh đo lường mức độ các môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng hạn chế sự hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến việc thành lập, vận hành và giải thể doanh nghiệp.

Điểm số tự do kinh doanh được tính dựa trên 13 yếu tố phụ (không trọng số), gồm:

1. Thủ tục thành lập doanh nghiệp;
2. Thời gian để thành lập doanh nghiệp;
3. Chi phí thành lập doanh nghiệp;
4. Vốn tối thiểu thành lập doanh nghiệp;
5. Thủ tục xin giấy phép;
6. Thời gian xin giấy phép;
7. Chi phí xin giấy phép;
8. Thời gian để giải thể doanh nghiệp;
9. Chi phí giải thể doanh nghiệp;
10. Tỷ lệ thu hồi nợ (của các chủ nợ) khi giải thể doanh nghiệp;
11. Thủ tục tiếp cận với nguồn điện;
12. Thời gian để tiếp cận với nguồn điện;
13. Chi phí tiếp cận với nguồn điện.

Tự do lao động (Labor Freedom)

Thành phần tự do lao động xem xét các khía cạnh khác nhau của khung quy định và pháp lý trong thị trường lao động của một quốc gia, bao gồm các quy định về tiền lương tối thiểu, các luật ngăn chặn sa thải lao động, thủ tục thôi việc, các quy định ràng buộc về tuyển dụng, và giờ làm việc và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (nhằm thể hiện cơ hội việc làm trong thị trường lao động).

Điểm số tự do lao động được tính dựa trên 7 yếu tố phụ (không trọng số), gồm:

1. Tỷ lệ tiền lương tối thiểu trên giá trị gia tăng trung bình một công nhân;
2.Trở ngại khi thuê thêm nhân công;
3. Giờ lao động cứng nhắc;
4. Khó khăn trong việc sa thải nhân sự dư thừa;
5. Thời gian thông báo nghỉ việc bắt buộc (về mặt pháp lý);
6. Trợ cấp thôi việc bắt buộc (về mặt pháp lý);
7. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động.

Tự do tiền tệ (Monetary Freedom)

Đánh giá mức độ can thiệp vi mô của chính phủ nhằm kiểm soát giá cả và lạm phát.

Xem thêm: Lạm phát và thất nghiệp: Sự sụp đổ của đường cong Phillips

Điểm số tự do tiền tệ được tính dựa trên 2 yếu tố phụ, gồm:

1. Bình quân gia quyền của tỷ lệ lạm phát trong 3 thập niên gần nhất;
2. Những kiểm soát về giá cả.

Nhóm 4: Thị trường Tự do (Open Markets)

  • Tự do thương mại (Trade Freedom)

Tự do thương mại đo lường mức độ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan ảnh hưởng đến việc xuất – nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Điểm số tự do thương mại được tính dựa trên 2 yếu tố phụ, gồm:

1. Tỷ lệ thuế nhập khẩu bình quân theo lưu lượng thương mại;
2. Các hàng rào phi thuế quan.

  • Tự do đầu tư (Investment Freedom)

Một quốc gia tự do về kinh tế sẽ không có những hạn chế đối với dòng vốn đầu tư. Các cá nhân và doanh nghiệp được phép tự do lưu thông các nguồn tài nguyên trong những hoạt động cụ thể, bất kể phạm vi trong và ngoài lãnh thổ quốc gia, mà không có bất cứ sự hạn chế nào.

Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các quốc gia đều có những hạn chế về đầu tư khác nhau: một số thì ban hành các quy định về đầu tư trong và ngoài nước; một số thì giới hạn hoạt động ngoại hối; một số thì hạn chế việc thanh toán, chuyển khoản và giao dịch vốn; thậm chí, một số quốc gia còn ban hành lệnh cấm đầu tư nước ngoài ở một số ngành công nghiệp nhất định.

Từ điểm số lý tưởng 100, các quốc gia sẽ bị trừ dần điểm số tự do đầu tư nếu:

1. Có những hạn chế trong nguyên tắc đối xử quốc gia đối với đầu tư nước ngoài;
2. Hạn chế trong quy định đầu tư nước ngoài;
3. Hạn chế quyền sở hữu đất;
4. Hạn chế đầu tư theo ngành;
5. Sung công các tài sản đầu tư mà không đền bù thỏa đáng;
6. Kiểm soát ngoại hối;
7. Kiểm soát vốn.

Tự do tài chính (Financial Freedom)

Tự do tài chính là một chỉ báo về hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như là một thước đo sự độc lập khỏi việc kiểm soát và can thiệp của chính phủ trong lĩnh vực tài chính. Việc xuất hiện sở hữu Nhà nước trong ngân hàng và các tổ chức tài chính khác sẽ làm giảm sự cạnh tranh và thường làm giảm mức độ tiếp cận với tín dụng.

Trong một môi trường ngân hàng và tài chính lý tưởng mà mức độ can thiệp chính phủ là tối thiểu, việc giám sát ngân hàng trung ương và quy định đối với các tổ chức tài chính chỉ dừng lại ở việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng và ngăn chặn vấn đề gian lận. Tín dụng được phân phối theo điều kiện thị trường và chính phủ không sở hữu các tổ chức tài chính. Các tổ chức tài chính cung cấp các loại dịch vụ tài chính khác nhau cho các cá nhân và công ty. Các ngân hàng được tự do kéo dài thời hạn tín dụng, chấp nhận tiền gửi, thực hiện các hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ. Các tổ chức tài chính nước ngoài có thể hoạt động tự do và được đối xử công bằng như các tổ chức trong nước.

Từ điểm số lý tưởng 100, các quốc gia sẽ bị trừ dần điểm số tự do tài chính nếu:

1. Mức độ quy định chính phủ trong dịch vụ tài chính cao,
2. Mức độ can thiệp của chính phủ vào ngân hàng và các công ty tài chính cao thông qua sở hữu trực tiếp và gián tiếp,
3. Mức độ ảnh hưởng của chính phủ lên việc phân bổ tín dụng cao,
4. Mức độ phát triển của thị trường vốn và thị trường tài chính thấp,
5. Giới hạn cạnh tranh với nước ngoài.

Bảng xếp hạng tự do kinh tế toàn cầu năm 2020

2020 Index of Economic Freedom. All credit goes to The Heritage Foundation.