Lãnh đạo trẻ, nhân viên già

Là một nhà lãnh đạo trẻ, hãy luôn nhớ rằng những người đồng nghiệp lớn tuổi hơn bạn cũng đã từng trải qua một thời cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Khi làm việc với bạn, họ thường thể hiện một thái độ như “tôi làm rồi, tôi từng trải nên tôi biết”, và tệ hơn, họ thậm chí có thể muốn ý tưởng của bạn phải gặp thất bại, giống như “nói không nghe, thất bại một lần cho biết”. Thêm vào đó, những nhà lãnh đạo trẻ thường phải nhận lấy ánh nhìn săm soi và đố kỵ từ những người nhân viên lớn tuổi hơn. Những nhân viên gạo cội lúc này thường cảm thấy như bản thân mình vừa bị lừa dối và qua mặt, họ cho rằng mình mới là người xứng đáng cho vị trí đó. Và đây chính là thời điểm để một người lãnh đạo trẻ chứng tỏ giá trị của mình.

Nhà lãnh đạo trẻ cần làm gì khi quản trị các nhân viên lớn tuổi?

Lúc này, hãy quăng cái thứ quyền lực “cấp trên” của bạn vào một xó. Bạn cần phải xóa bỏ sự phân quyền và làm việc như một thành viên trong nhóm, cũng như bao người khác, bạn cũng cố gắng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu trong công việc. Bạn nên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhân viên và cho họ thấy rằng bạn là nơi mà họ có thể tin tưởng, là người bảo vệ và chịu trách nhiệm trước kết quả làm việc của cả nhóm.

Những nhân viên lớn tuổi luôn muốn bạn phải tôn trọng ý kiến của họ. Họ luôn đặt bạn trong tình thế phải hiểu rằng sự thành công của bạn là nhờ vào những đóng góp từ họ, vì thế họ luôn câu nệ chuyện bạn phải dùng sức ảnh hưởng từ chức vụ quản lý của mình để khiến tiếng nói của họ luôn được chú trọng trong tập thể. Lúc này, bạn cần phải tỉnh táo và khiến sự việc đi đúng hướng, bởi vì thời gian đầu là thời gian bạn đang bị kiểm tra năng lực bởi những người cũ và chịu sự so sánh về khả năng so với người đồng nhiệm trước đó. Hãy cho họ thấy mục tiêu của bạn, hãy chỉ ra con tàu của nhóm đang ở đâu và sẽ đi về đâu trong thời gian sắp tới. Bạn cần phải biết rằng bạn đang lãnh đạo những nhân viên gạo cội, vì thế không có chuyện họ sẽ dễ dàng nghe theo những chỉ đạo của bạn chỉ đơn giản vì bạn là sếp của họ. Thực tế, họ sẽ cố tình làm cho công việc trở nên khó khăn hơn cho đến khi bạn nhận được sự tôn trọng từ họ, có nghĩa là họ chỉ tin bạn khi nhận thấy bạn đủ phẩm chất của một người lãnh đạo và đang làm vì lợi ích của toàn đội.

Lời khuyên cho các nhà lãnh đạo trẻ

Những nhân viên cấp dưới với thâm niên lâu năm có nhiều quyền lực hơn bạn. Vì sao? Vì con đường sự nghiệp của họ gắn liền với lịch sử của cả công ty, họ có nhiều mối quan hệ hơn và có sức ảnh hưởng trong lời nói với những người khác lớn hơn bạn. Cho nên, khi bạn làm việc cùng họ với tư cách một nhà lãnh đạo, bạn cần phải chú ý bốn điều sau đây để khiến con tàu của mình luôn đi đúng hướng:

1. Hãy luôn là người chủ động lắng nghe và tỏ thái độ là người sẵn sàng học tập từ mọi thành viên trong nhóm.

2. Tìm hiểu về từng cá nhân trong nhóm và tạo sự liên kết với họ trong những vấn đề ngoài công việc. Có thể trong công việc, bạn là người lãnh đạo họ, nhưng trong cuộc sống, họ sẽ là những người thầy dạy bạn những bài học bổ ích trên đường đời.

3. Biết cách dung hòa. Bạn và họ là hai người thuộc hai thế hệ khác nhau nên cách tiếp cận và suy luận vấn đề sẽ khác nhau. Và việc dung hòa lập trường của các bên luôn là cách làm tốt nhất để tránh khỏi những tranh cãi.

4. Càng lạm dụng quyền lực thì càng mất đi sự tôn trọng của nhân viên. Tất nhiên, không ai thích làm việc với một người chỉ biết ngồi một chỗ dùng ngón tay để chỉ trỏ. Đừng khiến nhân viên của bạn nghĩ rằng bạn chỉ là một kẻ thừa hưởng lợi ích từ sự cố gắng của cả nhóm.

Hãy nhớ rằng, dù là bất cứ ai trên thế giới này, tất cả họ đều có cảm xúc.